Sân khấu vượt khó mùa dịch: Sẵn sàng chờ ngày sáng đèn
VHO- Tại cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021 do Bộ VHTTDL tổ chức, NSND Tống Toàn Thắng đã được trao giải Đạo diễn dàn dựng xuất sắc và được giới chuyên môn đánh giá cao. Anh là một trong những người tiên phong đi tìm những hình thức thể hiện mới cho sân khấu xiếc, đưa xiếc tới gần hơn với nhiều đối tượng khán giả.
NSND Tống Toàn Thắng
NSND Tống Toàn Thắng đã dành cho Văn Hóa một cuộc trò chuyện rất cởi mở về những dự định “đặc biệt” mà anh đang ấp ủ…
P.V: Khi xem các chương trình do anh dàn dựng cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam như “Biển đảo là quê hương”, “Sống mãi với Điện Biên”, “Ký ức Trường Sơn”, “Cây gậy thần”… thấy rất rõ xu hướng đổi mới, cách tân của xiếc. Điều thú vị là không chỉ các em nhỏ, đối tượng quen thuộc của xiếc, mà có rất nhiều tầng lớp khán giả đến xem và họ đều vô cùng hứng thú. Anh có thể cho biết quan điểm khi dàn dựng các chương trình này?
- NSND Tống Toàn Thắng: Chiều được khán giả miền Bắc, đặc biệt là khán giả Hà Nội khó lắm! Làm thế nào để lôi kéo được nhiều đối tượng đến với xiếc, mở rộng địa bàn hoạt động là mục tiêu không chỉ của cá nhân tôi mà của cả Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Những tiết mục như Cầu ngô, Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa... đã từng được khán giả yêu thích, nhưng nếu cứ diễn mãi thì sẽ rất nhàm chán. Khán giả giờ đây thích những chương trình có nội dung xuyên suốt, có sự lôi cuốn, tình tiết cao trào. Đó là lý do mà đơn vị luôn ủng hộ tôi triển khai các dự án thử nghiệm với những hình thức dàn dựng mới. Vẫn là sân khấu tròn nhưng có thể biểu diễn xiếc, đi catwalk, diễn ảo thuật, nhảy hiphop, hát cải lương… để tạo nên một chương trình giải trí hấp dẫn.
Mới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã kết hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng thành công vở Cây gậy thần và đang tiếp tục dựng Thượng Thiên Thánh Mẫu. Sắp tới vào dịp 20.10, tôi dự định sẽ dựng kết hợp giữa rock và xiếc để thu hút giới trẻ. Tôi còn muốn dựng bi kịch Hamlet với hình thức nhạc kịch - xiếc. Xiếc có ngôn ngữ và ưu thế riêng để có thể kết hợp được nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu cùng tham gia. Sự kết hợp đó sẽ làm phong phú hơn đối tượng khán giả của xiếc. Mục tiêu của tôi là “biến” rạp xiếc thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có sự đầu tư về sân khấu, trang thiết bị, con người… để làm sao đáp ứng được nhu cầu của thị trường giải trí đương đại.
Tiết mục “Đu nón” do đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng dàn dựng
Anh có sợ rằng các dự định của mình và cả hợp đồng biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ bị dừng lại bởi những diễn biến đầy phức tạp của dịch Covid-19?
- Hơn một năm qua, công tác tổ chức biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đều bị đình lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chúng tôi đang khấp khởi hy vọng sẽ diễn bù vào dịp lễ 30.4 và 1.5 thì dịch lại bùng phát nên đã phải huỷ toàn bộ các buổi diễn đã phát hành vé. Nhìn cảnh khán giả tới trả lại vé và khách mời vội vã ra sân bay về địa phương, Ban giám đốc và nghệ sĩ không khỏi hụt hẫng, xót xa công sức, tâm huyết và kinh phí đã đầu tư… Tuy nhiên, chúng tôi biết tất cả đều đang trong hoàn cảnh khó khăn chung. Năm 2020, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ cho 12 nhà hát trực thuộc Bộ sáng đèn nhằm thu hút khán giả trở lại thói quen tới nhà hát, chúng tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục có những gói hỗ trợ để giúp các đơn vị nghệ thuật có thể vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam hợp đồng với 60 diễn viên trẻ bằng nguồn tự thu của đơn vị. Họ là lực lượng nòng cốt, nhân tố chủ lực để tạo nên sức bật cũng như sức sống mới cho các tiết mục và chương trình biểu diễn. Điều đáng nói là mặc dù vô cùng khó khăn, đòi hỏi về nghề của nghệ thuật xiếc cũng rất khắc nghiệt, nhưng lớp nghệ sĩ trẻ vẫn luôn nuôi giữ ngọn lửa đam mê và tình yêu với nghệ thuật xiếc.
Là một trong những đạo diễn xiếc chuyên nghiệp có số lượng chương trình và tiết mục kỷ lục nhất hiện nay, anh có thể chia sẻ bí quyết gì giúp cho xiếc Việt Nam có được dấu ấn trong bản đồ xiếc quốc tế ?
- Trong những năm qua, có thể thấy rất rõ xiếc Việt Nam đã nâng tầm chuyên nghiệp và khẳng định tên tuổi ở nhiều cuộc thi quốc tế. Kỹ thuật xiếc thì ở đâu cũng giống nhau nhưng để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt có cách đi của mình. Bên cạnh việc hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng quốc tế, yếu tố truyền thống và văn hoá luôn được chúng tôi hướng tới, đó là phần âm nhạc, đạo cụ, trang phục phải thể hiện ra được chất liệu Việt. Thực ra khi diễn trong nước, chúng ta sẽ không cảm nhận hết được điều này nhưng khi dự thi quốc tế thì bản sắc văn hoá đã tạo cho xiếc Việt một dấu ấn riêng không trộn lẫn. Đó là lý do mà ngay sau khi kết thúc cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021, đã có một số Ban tổ chức các cuộc thi và nhà tổ chức biểu diễn hỏi han, tiếp cận. Nếu không vì dịch bệnh thì chắc chắn Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ nhận được rất nhiều hợp đồng biểu diễn dài hạn ở nước ngoài. Còn hiện tại thì chúng tôi chỉ có con đường duy nhất đó là nâng cao chất lượng của các chương trình, tiết mục, động viên các diễn viên tập luyện hằng ngày, “sẵn nong sẵn né” để chờ đợi được sáng đèn trở lại. Vì vậy, chúng tôi vẫn động viên các nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải tập luyện hằng ngày các chương trình và tiết mục mới.
Hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam hợp đồng với 60 diễn viên trẻ bằng nguồn tự thu của đơn vị. Họ là lực lượng nòng cốt, nhân tố chủ lực để tạo nên sức bật cũng như sức sống mới cho các tiết mục và chương trình biểu diễn. Điều đáng nói là mặc dù vô cùng khó khăn, đòi hỏi về nghề của nghệ thuật xiếc cũng rất khắc nghiệt, nhưng lớp nghệ sĩ trẻ vẫn luôn nuôi giữ ngọn lửa đam mê và tình yêu với nghệ thuật xiếc. (NSND TỐNG TOÀN THẮNG) |
THÚY HIỀN